Doanh nghiệp xuất nhập khẩu lo ngại giá cước vận tải biển tăng, hãng tàu lớn khẳng định không thiếu vỏ container rỗng

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu lo ngại giá cước vận tải biển tăng, hãng tàu lớn khẳng định không thiếu vỏ container rỗng

Hiệp hội các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cùng 10 hãng tàu quốc tế đã ngồi lại với nhau để làm rõ những vướng mắc liên quan đến giá cước tàu tăng cao và tình trạng thiếu container rỗng.

Cách đây ít ngày, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đồng chủ trì họp trực tuyến về vấn đề tăng giá cước vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu bằng đường biển và rà soát các khó khăn, vướng mắc trong vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu trong thời gian dịch bệnh COVID-19.

Cuộc họp có sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo các Hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, như: Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam, các Hiệp hội ngành hàng như: rau, quả, hồ tiêu, chè, thủy sản gỗ, thép, nhôm, nhựa, dệt may…

Ngoài ra, 10 hãng tàu nước ngoài có tuyến vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam đi thị trường châu Âu, châu Mỹ cũng có mặt, gồm: CMA-CGM, Evergreen, OOCL, COSCO (thuộc liên minh Ocean), Hapag – Lloyd, ONE, Yang Ming, Huyndai Merchant Marine (thuộc liên minh T.H.E) và MSC, Maersk (thuộc liên minh 2M). 

Hãng tàu khẳng định: Không thiếu container rỗng 

Trao đổi tại cuộc họp, Chủ tịch các Hiệp hội hồ tiêu, Hiệp hội rau quả, Hiệp hội dệt may, Hiệp hội nhựa… đều có ý kiến phản ánh về tình trạng thiếu container rỗng và giá cước tăng cao của các hãng tàu. Song song đó, xuất hiện hiện tượng hủy chuyến, lên tàu mới báo giá, chính sách giá cước liên tục thay đổi, khách hàng khó đặt chỗ trực tiếp với hãng tàu mà phải thông qua các forwarder… 

Đặc biệt, cơ chế tính phụ phí của các hãng tàu hiện chưa rõ ràng, với nhiều loại phụ phí phát sinh gây bức xúc và khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong khi đó, các hãng tàu cho biết, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu như hiện nay khiến cho các hãng cũng gặp rất nhiều khó khăn và đang cố gắng đảm bảo cho sự ổn định của chuỗi cung ứng hàng hóa. Tại cuộc họp, một số hãng tàu như: CMA-CGM, Evergreen, COSCO… đều khẳng định, không thiếu vỏ container rỗng, các phụ phí được niêm yết công khai trên website. Việc chênh lệch giữa giá cước niêm yết và giá cước thực tế là do yếu tố cung cầu và tùy thuộc sự thương lượng giữa chủ hàng và forwarder. Do đó, các hãng không can thiệp vào việc thỏa thuận này.

Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu

Để giải quyết tình trạng bất cập trên, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam kiến nghị Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông vận tải xem xét sửa đổi Luật quy định các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, phải thực hiện kê khai giá thay vì chỉ quy định niêm yết giá như hiện nay. Một số đại diện khác cũng đề xuất, cần rà soát lại toàn bộ hiện trạng giá cước tại khu vực phía Nam và sớm có sự điều chỉnh để bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thị trường bất ổn trên phạm vi toàn cầu, do đó các doanh nghiệp trong nước, đại lý, hãng tàu có chiến lược định hướng về mặt lâu dài. Về các nội dung liên quan đến phụ phí, đề nghị các doanh nghiệp cung cấp thông tin tới các cơ quan quản lý nhà nước để tiến hành xác minh điều tra nếu có hiện tượng thổi giá làm lũng loạn thị trường. Ngoài ra, đại diện này cũng đề xuất công khai giá theo hình thức điện tử để thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc cập nhật thông tin. 

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất có kênh tiếp nhận thông tin tới Hiệp hội, cơ quan quản lý Nhà nước để có giải pháp mạnh mẽ hơn, như tiến hành làm việc, thanh kiểm tra nhiều hơn.

Trên cơ sở các ý kiến trao đổi tại cuộc họp, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đề nghị, các hãng tàu có chính sách rõ ràng, cầu thị, hợp tác để giải quyết tình trạng tăng giá cước ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

“Việt Nam là thị trường tiềm năng đối với các hãng tàu, đo đó chúng tôi không chấp nhận việc các hãng tàu đến kinh doanh nhưng không hợp tác với các doanh nghiệp trong nước vì sự phát triển chung. Do đó, nếu các hãng không có sự hợp tác thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ áp dụng các chế tài thích đáng” – ông Trần Tranh Hải cho biết.

Về các phụ phí và lộ trình tăng giá, hãng tàu chưa có giải trình phù hợp, do đó về mặt lâu dài, các hạng mục này cần đưa vào danh sách quản lý. 

Đông A

Theo Nhịp sống kinh tế

Scroll to Top