Bật chế độ “xanh” cho logistic thương mại điện tử

Bật chế độ “xanh” cho logistic thương mại điện tử

Trong bối cảnh dịch diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại các “tâm dịch”, mua bán hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử gia tăng mạnh. Do đó rất cần có giải pháp tạo điều kiện cho logistic thương mại điện tử hoạt động để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, ổn định thị trường.

Sức mua trên online tăng gấp 3 lần

Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ, lượng đơn đặt mua hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) tăng gấp 2 – 3 lần so với bình thường.

Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, hệ thống logistic TMĐT đã hoạt động tích cực và đạt hiệu quả cao trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, góp phần ổn định thị trường trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Do đó, Bộ Công thương sẽ tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tạo “luồng xanh” để các sàn TMĐT có thể đẩy mạnh tham gia đưa hàng hóa ngay vào tâm dịch tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Bật chế độ “xanh” cho logistic thương mại điện tử - Ảnh 1.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện các sàn TMĐT gặp rất nhiều khó khăn trong việc cung ứng hàng hóa vào vùng dịch. Nguyên nhân chính là do các hệ thống giao hàng công nghệ, nhà ứng dụng vận chuyển phải dừng hoạt động sau khi địa phương “siết” hoạt động của các nhân viên giao hàng, shipper công nghệ.

Đó là còn chưa kể đến việc một số kho bãi nằm trong khu vực bị hạn chế đi lại do giãn cách xã hội khiến cho các đơn vị cung ứng, vận tải trong quá trình giao vận không thể tập kết, phân luồng hàng hóa dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tạm thời. Bên cạnh đó, các sàn TMĐT thiếu điểm giao nhận hàng hóa do nhiều điểm giao nhận hàng hóa nằm trong khu vực phong tỏa.

Nhiều sàn TMĐT rơi vào tình trạng khá “đau đầu” do thiếu shipper nên số lượng đơn hàng bị hoàn trả tăng cao, không chỉ gây áp lực lên người bán, đơn vị vận chuyển mà còn gây mất niềm tin của người tiêu dùng.

Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho hay, theo quy định, hiện các sàn TMĐT phải đứng ra đăng ký danh sách shipper cho hãng giao nhận là đối tác của mình, đối tác chỉ được vận chuyển hàng cho sàn, không được vận chuyển bất kỳ loại hàng hóa nào khác. Theo đó, shipper phải có hợp đồng lao động và chỉ được vận chuyển hàng hóa cho siêu thị, nhà cung ứng thực phẩm, không được vận chuyển giúp những đơn vị không ký kết hợp đồng vận chuyển. Còn các siêu thị, nhà cung ứng thực phẩm có nhu cầu thuê đối tác vận chuyển hàng hóa thì phải đứng ra đăng ký shipper với sở giao thông vận tải.

Linh hoạt tạo “luồng xanh”

Theo thông tin từ Cục TMĐT và Kinh tế số, để giải quyết những vướng mắc nêu trên, một số sàn TMĐT đã và đang đa dạng hóa đơn vị cung ứng, khuyến khích đối tác cung ứng chủ động đóng gói, giao vận… nhằm đảm bảo có nguồn hàng thay thế khi cần.

Đồng thời, Bộ Công thương cũng khuyến khích phương án các địa phương cho phép hệ thống logistics của các sàn TMĐT tiếp tục được hoạt động bình thường trong địa bàn. Mới đây, Cục TMĐT và Kinh tế số đã có công văn gửi sở công thương các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội yêu cầu  khuyến khích đặt hàng thiết yếu trên các sàn TMĐT uy tín. Đặc biệt, đề nghị các đơn vị này phối hợp với các sở ngành liên quan xây dựng phương án cụ thể duy trì hệ thống giao nhận TMĐT. Trong trường hợp cần thiết, thiết lập “Điểm tập kết hàng hóa” cho TMĐT ngay tại các khu cách ly tập trung hoặc các khu vực cư dân bị phong tỏa.

Theo Tố Uyên

Thời báo tài chính

Scroll to Top